VNAll-INDEX - VNAllshare-Index

Chỉ số VNX Allshare là gì?

Hiện nay, trên TTCK Việt Nam có 2 chỉ số tổng hợp là VN-Index và HNX-Index được xây dựng trên các bộ nguyên tắc riêng của từng Sở GDCK. Điều này gây khó khăn cho các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài khi muốn có một cái nhìn tổng thể về thị trường cổ phiếu niêm yết trên TTCK Việt Nam. Do đó, trong năm 2016, HOSE và HNX đã hợp tác xây dựng chỉ số chung VNX Allshare cho thị trường bao gồm các cổ phiếu đang niêm yết trên hai Sở. Chỉ số chung VNX Allshare sẽ cung cấp thêm một chỉ báo thị trường cho nhà đầu tư, góp phần nâng cao tính thống nhất và chuẩn hóa hệ thống chỉ báo cho toàn thị trường, đồng thời tạo chỉ số cơ sở nhằm phát triển các sản phẩm tài chính như phái sinh, quỹ ETF.

VNX Allshare được xây dựng trên 3 cơ sở: Sàng lọc về tư cách, sàng lọc về tỷ lệ tự do chuyển nhượng và sàng lọc về thanh khoản. Sau khi sàng lọc các cổ phiếu có đủ các điều kiện theo các tiêu chí đề ra, danh sách thành phần chỉ số VNX Allshare (2016) được xây dựng gồm 388 cổ phiếu, trong đó có 208 cổ phiếu từ HOSE và 180 cổ phiếu từ HNX. Chỉ số VNX Allshare sẽ có điểm chỉ số cơ sở là 1000 điểm.

Bộ chỉ số HOSE-Index

HOSE-Index là bộ chỉ số bao gồm các cổ phiếu niêm yết trên Sở Giao Dịch Chứng Khoán TP.HCM (HOSE) đáp ứng các yêu cầu sàng lọc về tư cách, tỷ lệ tự do chuyển nhượng và thanh khoản. HOSE-Index chiếm hơn 90% giá trị giao dịch và hơn 80% giá trị vốn hóa của toàn thị trường chứng khoán niêm yết tại HOSE.

Các chỉ số giúp NĐT dễ dàng quan sát sự vận động của thị trường chung và biến động giá của các nhóm cổ phiếu trên thị trường.

Chỉ số Vnindex là gì?

VN-Index là chỉ số chung thể hiện xu hướng và biến động giá của tất cả cổ phiếu niêm yết trên sàn giao dịch CK TPHCM HOSE). Chỉ số VN-Index so sánh giá trị vốn hóa thị trường hiện tại với giá trị vốn hóa thị trường cơ sở vào ngày gốc 28/07/2000, ngày đầu tiên thị trường chứng khoán chính thức đi vào hoạt động. Giá trị vốn hóa thị trường cơ sở tính trong công thức chỉ số được điều chỉnh trong các trường hợp như niêm yết mới, hủy niêm yết và các trường hợp có thay đổi về vốn niêm yết.

Cách tính chỉ số Vnindex = (Giá trị thị trường hiện hành/Giá trị thị trường gốc) x 100.

Trong đó: Giá trị thị trường = Giá thị trường của cổ phiếu x số lượng cổ phiếu niêm yết

(Lưu ý: Công thức tính toán các chỉ số khá phức tạp và gần như k giúp ích gì trong quá trình giao dịch. Bạn có thể tham khảo để biết nhưng không cần thiết phải nhớ. Vì vậy ở các chỉ số khác tôi sẽ bỏ phần công thức tính toán)

Tần suất tính toán: 1 phút/lần, cập nhật theo thời gian thực (áp dụng với tất cả các chỉ số khác). Giá đóng cửa (ATC) của ngày hôm nay chính là giá tham chiếu của ngày hôm sau.

Vnindex là chỉ số được các nhà đầu tư quan sát nhiều nhất, có thể nói đây là chỉ số đại diện cho thị trường chung. Để biết hiện tại thị trường tăng hay giảm trong ngắn hạn, bạn chỉ cần nhìn chỉ số Vnindex.

Lưu ý: Các cổ phiếu có vốn hóa càng lớn thì càng tác động nhiều vào chỉ số Vnindex.

Ví dụ: Nếu VIC giảm sẽ tác động đến Vnindex và khiến chỉ số giảm điểm theo. Lúc đó phải cần có vài cổ phiếu khác (có vốn hóa thấp hơn VIC) tăng điểm thì chỉ số Vnindex mới cân bằng trở lại. Vì vậy, nếu muốn tác động vào thị trường chung, các nhà đầu tư lớn có thể mua hoặc bán những cổ phiếu có vốn hóa lớn và khiến chỉ số bị ảnh hưởng.

Chỉ số VN30 là gì?

VN30 là một trong các chỉ số thuộc bộ chỉ số HOSE-Index được xây dựng và quản lý bởi Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE). Chỉ số được tính toán dựa trên 30 công ty niêm yết trên sàn HOSE, có vốn hóa thị trường và tính thanh khoản cao nhất, chiếm khoảng 80% tổng giá trị vốn hóa và 60% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường. Việc lọt vào rổ chỉ số VN30 là niềm tự hào của một số doanh nghiệp niêm yết. Điều đó ít nhiều cũng tăng thêm uy tín, tên tuổi của Doanh Nghiệp và thu hút được nhiều sự chú ý của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Chỉ số VN30 được tính toán dựa trên phương pháp tính giá trị vốn hóa thị trường có điều chỉnh tỷ lệ tự do chuyển nhượng (free float) và áp dụng hạn chế mức trần tỷ trọng của các cổ phiếu thành phần đối với các chỉ số theo quy mô vốn hóa.

Điều kiện vào rổ VN30

Để lựa chọn vào rổ VN30, cổ phiếu phải đáp ứng các điều kiện tham gia tính toán chỉ số và trải qua 3 bước sàng lọc về giá trị vốn hóa, free float và thanh khoản. Top 30 cổ phiếu đáp ứng các tiêu chí sàng lọc sẽ được chọn vào rổ.

– Cổ phiếu có thời gian niêm yết trên HOSE tối thiểu 6 tháng tính đến ngày chốt dữ liệu xem xét.

– Cổ phiếu không thuộc diện bị cảnh báo do vi phạm công bố thông tin, kiểm soát, kiểm soát đặc biệt, tạm ngừng giao dịch ngoại trừ tạm ngừng giao dịch do thực hiện việc tách/gộp cổ phiếu hoặc chia tách/sáp nhập) trong vòng 03 tháng tính đến ngày chốt dữ liệu xem xét.

– Tỷ lệ tự do chuyển nhượng (Free-float):  f<5%: loại

– Thanh khoản: Cổ phiếu phải có tỷ suất quay vòng chứng khoán tối thiểu là 0.05%. Hoặc nói cách khác dễ hiểu hơn, phải thuộc TOP 50 cổ phiếu có thanh khoản tốt nhất HOSE.

Điều chỉnh danh mục 30 cổ phiếu theo định kỳ: 6 tháng/lần; Và không theo định kỳ trong trường hợp xảy ra sự cố với cổ phiếu: hủy niêm yết, bị kiểm soát, phá sản, sáp nhập.

Tiêu chuẩn lựa chọn vào rổ VN30 là những cổ phiếu có tính thanh khoản cao nhất nên giá cả của các cổ phiếu trong rổ VN30 sẽ phản ánh tốt nhất mối quan hệ giữa cung và cầu cổ phiếu, từ đó hạn chế được sự làm giá vốn thường xảy ra đối với những cổ phiếu có thanh khoản kém.

Ngoài ra, VN30 cũng kỳ vọng là tài sản cơ sở cho các sản phẩm phái sinh sẽ triển khai trong tương lai. Sản phẩm phái sinh đầu tiên của TTCKVN chính là hợp đồng tương lai, đã chính thức được giao dịch từ cuối năm 2017.

Các chỉ số khác của Sở Giao Dịch Chứng Khoán TP.HCM (HOSE)

VNMid: Là chỉ số vốn hóa đo lường sự tăng trưởng của 70 công ty vốn hóa cỡ vừa của ở Việt Nam, có giá trị vốn hóa trung bình sau Vn30, đáp ứng các tiêu chí sàng lọc.

VN100: Là sự kết hợp 100 công ty gồm 30 công ty ở nhóm VN30 và 70 công ty nhóm VNMidcap.

VNSML-Index: Là chỉ số giá bao gồm các công ty có quy mô nhỏ (VNSmallcap) , đáp ứng các tiêu chí sàng lọc và không thuộc VN100

VNALL-Index (VNAllshare): Là chỉ số giá bao gồm các cổ phiếu thành phần của VN100 và VNSmallcap, cũng đáp ứng các yêu cầu sàng lọc về tư cách, tỷ lệ tự do chuyển nhượng và thanh khoản.

Các chỉ số trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX)

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (tên tiếng Anh là Hanoi Stock Exchange, viết tắt là HNX). HNX-Index là chỉ số thị trường bao gồm những mã chứng khoán được giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.

Chỉ số HNX-Index

Tính toán mức biến động giá của tất cả các cổ phiếu giao dịch trên sàn Hà Nội (HNX). Phương pháp tính bằng cách so sánh tổng giá trị thị trường hiện tại với tổng giá trị thị trường các cổ phiếu niêm yết tại thời điểm gốc.

Giá tham chiếu của HNX-Index là bình quân gia quyền các mức giá thực hiện của các giá giao dịch theo phương thức khớp lệnh liên tục trong 15 phút cuối phiên hôm trước.

Chỉ số HNX30-Index

Năm 2012, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) chính thức đưa vào vận hành chỉ số HNX30 với mục tiêu bổ sung công cụ đầu tư trên thị trường cổ phiếu niêm yết, tạo tiền đề phát triển sản phẩm giao dịch trên chỉ số.

HNX30 bao gồm 30 cổ phiếu có thanh khoản và giá trị vốn hóa tốt nhất trên thị trường cổ phiếu niêm yết của Sở GDCK Hà Nội, được tính theo phương pháp giá trị vốn hoá thị trường có điều chỉnh tỷ lệ khối lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng (free float).

Ngoài ra, cổ phiếu của doanh nghiệp lọt vào danh sách HNX30 sẽ góp phần nâng cao uy tín và hình ảnh của doanh nghiệp. Đồng thời là mục tiêu để nhiều doanh nghiệp niêm yết trên HNX hướng đến.1

Các bước sàng lọc cổ phiếu vào rổ VN30:

(1) Chọn 100 mã có giá trị giao dịch bình quân phiên trong 12 tháng gần nhất tính từ ngày cơ sở trở về trước là lớn nhất.(TOP100GTGD)

(2) Chọn 70 mã trong TOP100GTGD có mức vốn hóa thị trường sau khi điều chỉnh tỷ lệ free-float bình quân trong 12 tháng gần nhất lớn nhất (TOP70)

(3) Trong TOP70, tính KLGD trung vị ngày trong 12 tháng gần nhất => chọn các mã có 6/12 tháng có tỷ lệ KLGD trung vị >= 0,02%

(4) Loại các cổ phiếu theo yêu cầu của Hội đồng chỉ số (nếu có)

(5) Chọn 30 mã có mức vốn hóa thị trường sau khi điều chỉnh tỷ lệ free-float lớn nhất, đảm bảo số chứng khoán mỗi ngành không vượt quá 20% số lượng chứng khoán trong rổ, các mã còn lại nằm trong danh sách chờ.